Tin tức

7 CÂU HỎI GIÚP BẠN TÌM KIẾM MỤC TIÊU CUỘC ĐỜI

7 CÂU HỎI GIÚP BẠN TÌM KIẾM MỤC TIÊU CUỘC ĐỜI

Tìm ra mục đích sống là bước đầu tiên để tiến tới hạnh phúc và viên mãn. Khi không có mục tiêu cụ thể, chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng mất phương hướng, làm việc kém hiệu quả – cũng như luôn bị “dằn vặt” vì cảm giác “lệch pha” trong mỗi công việc hàng ngày

Mục đích sống là gì? Khái niệm mục đích sống (life purpose) được định nghĩa là việc đặt ra một hệ thống mục tiêu và định hướng cho cuộc đời. Những mục tiêu đó đóng vai trò động lực chính thúc đẩy ta thức dậy mỗi buổi sáng – là “kim chỉ nam” hướng dẫn ta trong từng quyết định và hành vi, từ đó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. 

Chúng ta thường có xu hướng định nghĩa cuộc sống lý tưởng là khi bản thân thành công trong sự nghiệp, có gia đình yêu thương và một mạng lưới quan hệ xã hội rộng rãi. Thế nhưng, ngay cả khi hội tủ đầy đủ các yếu tố trên, nhiều người vẫn cảm thấy “thiếu vắng” một thứ gì đó – hay nói cách khác, họ chưa tìm thấy và thỏa mãn mục tiêu sống của mình.

Vì sao cần phải tìm kiếm mục đích sống? Mục đích sống là yêu cầu tối quan trọng để đạt được trạng thái mãn nguyện và hạnh phúc. Qua đó, ta ý thức rõ lý do đằng sau mỗi hành động – rằng bản thân đang đóng góp cho xã hội theo một cách thức quan trọng nào đó. Ý thức này mang lại cho bạn cảm giác hài lòng và gắn kết với mọi người xung quanh, khiến cuộc sống trở nên hạnh phúc và ý nghĩa hơn.

Một nghiên cứu công bố năm 2010  trên tạp chí Applied Psychology cho thấy những ai sống có mục đích và nhận thức về ý nghĩa của những gì mình làm nhìn chung có tuổi thọ cao hơn. Các nghiên cứu liên quan cũng nhận thấy mối tương quan mật thiết giữa việc tìm thấy mục đích của cuộc sống và sức khỏe như: giảm nguy cơ đột quỵ, đau tim, cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm tỷ lệ mất trí nhớ và khuyết tật.

Năm 2016, tạp chí Journal of Research and Personality công bố kết quả nghiên cứu về việc những ai tìm thấy mục đích trong công việc nhìn chung kiếm được thu nhập cao hơn so với những cá nhân cảm thấy công việc của họ thiếu ý nghĩa.

Mỗi cá nhân mang trong mình những mục đích sống riêng. Đối với một số người, mục tiêu của họ gắn liền với một công việc có ý nghĩa và khiến họ thỏa mãn. Đối với những người khác, trách nhiệm với gia đình hoặc bạn bè là ưu tiên hàng đầu. Một số lại tìm thấy ý nghĩa cuộc sống ở phương diện tâm linh hoặc niềm tin tôn giáo. Mục đích cuộc sống của mỗi người là không giống nhau. Ngay cả khi bạn đã xác định mong muốn của mình là gì, mục tiêu đó hoàn toàn có thể thay đổi – và sẽ thay đổi suốt cuộc đời, tùy theo những ưu tiên mới cũng như chuyển biến trong nhận thức cá nhân. 

Nghiên cứu của Hill và các cộng sự (2010) phân loại mục đích sống của con người thành 4 nhóm chính: 
•    Hoạt động xã hội (Prosocial), được định nghĩa là mong muốn giúp đỡ người khác và tác động đến cấu trúc xã hội. 
•    Sáng tạo (Creative) bao hàm các mục tiêu về nghệ thuật và khao khát những điều mới lạ 
•     Tài chính (Financial), chỉ các mục tiêu về tài chính và thành công trong quản trị. 
•    Công nhận cá nhân (Personal recognition), chỉ mong muốn được những người xung quanh công nhận và tôn trọng. 

Khi nào cần suy nghĩ về mục đích sống? Câu hỏi về mục đích sống có thể nảy sinh bất cứ lúc nào trong cuộc sống – đặc biệt trong các thời kỳ “chuyển giao” hoặc khủng hoảng như: thay đổi nghề nghiệp, học vấn, mất mát cá nhân, v.v… 

Cuộc sống con người có thể hình dung như một “ngôi nhà” có nhiều phòng. Mỗi khi ta bước sang một giai đoạn khác của cuộc đời, “căn phòng” cũ sẽ trở nên chật chội và tù túng. Mỗi người sẽ bắt đầu tự hỏi bản thân có thể làm gì để mở rộng không gian sống của mình. Việc di chuyển sang những “căn phòng” mới cũng đồng thời mở đường cho những cơ hội mới – mục đích cuộc đời cũng sẽ từ đó thay đổi theo.

Mặt khác, quá trình này cũng có thể thúc đẩy sự chuyển đổi về thể chất, tinh thần, cảm xúc và tâm linh – thậm chí đôi khi dẫn tới một giai đoạn “hỗn loạn”, khi ta tự đặt ra những câu hỏi mới cho bản thân. Đây chính là bí quyết để có một cuộc sống trọn vẹn: không ngừng đặt những câu hỏi về cuộc sống của chúng ta. Với từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy những câu hỏi riêng biệt – cũng như những cơ hội khác nhau. Tìm kiếm mục đích sống – “Nói dễ hơn làm”

Mục đích sống của bạn là gì? Để trả lời câu hỏi này, bạn phải suy nghĩ sâu sắc về những gì bạn THỰC SỰ mong muốn. Trong phần lớn trường hợp, câu trả lời thông thường sẽ là: Thành công/Cảm giác được yêu thương /Tạo tác động tích cực đến cuộc sống của người khác/ Hạnh phúc/ Hạnh phúc Tiền tài v.v…

Nói đến đây, hẳn một số trong chúng ta sẽ nghĩ: “Tôi muốn tất cả những điều trên!”. Và không cần suy nghĩ nhiều hơn, bạn ngay lập tức lập kế hoạch trở thành một người thành công và giàu có, có tầm ảnh hưởng lớn với thế giới. Đó là một mục tiêu thực sự tốt đẹp, phải không? 

Vậy hãy thử hình dung – 10 năm sau, bạn có tất cả: thành công, giàu có, được mọi người biết đến. Bạn là chủ một tập đoàn đa quốc gia tiếng tăm. Mọi người trên khắp thế giới ngưỡng mộ bạn – một mẫu gương điển hình của người thành công. Bạn đã đạt được tất cả những mục tiêu đã vạch ra 10 năm trước đây. Thế nhưng, liệu bạn có thấy hạnh phúc không? 

Có thể bạn sẽ giật mình khi nhận ra – trong suốt quá trình đó, bạn đã phải hy sinh rất nhiều điều như: Mất đi cơ hội hẹn hò và tìm được người mình yêu thương. Không có thời gian dành cho gia đình. Mất cơ hội giao lưu với bạn bè. Không có gia đình hạnh phúc. v.v… Tuy mục tiêu bạn đặt ra không xấu, nhưng vấn đề nằm ở chỗ: đó không phải là mục đích sống THỰC SỰ của bạn. Đến lúc đó, có thể bạn sẽ giật mình nhận ra – mục tiêu cuộc sống của bạn chỉ đơn giản là có một gia đình yêu thương và hạnh phúc. Bạn thấy đấy – đó chính là lý do vì sao ta cần phải nhanh chóng đi tìm mục đích của cuộc đời, ngay từ hôm nay!